Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng bùng nổ

11/08/2022 11:24

Trong môi trường rủi ro tín dụng và kinh tế có nhiều biến động như hiện nay, áp lực tăng vốn đè nặng lên các ngân hàng ngày một tăng. Điều này đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay và những năm tiếp theo của các nhà băng.

Theo thống kê của VnBusiness, trong năm nay kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình ở hầu hết các ngân hàng (trừ Techcombank và Sacombank). Các phương án tăng vốn sẽ được hoàn thành thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Làn sóng tăng vốn điều lệ

Ngay khi mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng kết thúc, loạt ngân hàng đã triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ. Hiện nay, một số ngân hàng đã thực hiện xong việc chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu.

Điển hình, VIB đã thực hiện xong việc chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 35% từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng để tăng vốn điều lệ thêm 5.436 tỷ đồng. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của VIB tăng lên gần 21.000 tỷ đồng.

kienlong-bank-1660186340.jpg
KienlongBank vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng.
 

Tương tự, ACB đã chốt danh sách cổ đông để phát hành 675,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%. Vốn điều lệ của ACB được nâng từ hơn 27.019 tỷ đồng lên 33.774 tỷ đồng. Hay như SeABank chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu từ 16.598 tỷ đồng lên 20.403 tỷ đồng.

Được biết, theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, SeABank sẽ còn phát hành 59,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2022 để tăng vốn điều lệ thêm 59,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng vừa nhận được cái “gật đầu” tăng vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điển hình: OCB tăng thêm gần 59 tỷ đồng; VietCapitalBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng; Vietbank tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 1.003 tỷ đồng; KienlongBank tăng vốn điều lệ từ 3.652,8 tỷ đồng lên 4.231,2 tỷ đồng…

Mặc dù tại ĐHCĐ tổ chức hồi tháng 4, Techcombank không trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ, nhưng mới đây, Techcombank (mã: TCB) thông báo phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP), tương đương 0,18% lượng cổ phiếu lưu hành. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, thời gian phát hành dự kiến trong tháng 8. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng lên trên 35.172 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các NHTM nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ của các NHTM cổ phần đạt 400,23 nghìn tỷ đồng.

Tại Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" vừa được Chính phủ phê duyệt mới đây cũng đã định hướng về việc đảm bảo vốn điều lệ của các ngân hàng. Theo đó, đến năm 2025, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và NHTM có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Như vậy, với kế hoạch này, giới chuyên môn dự báo, thời gian tới kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Áp lực trong môi trường rủi ro tín dụng cao

Trong báo cáo vừa công bố của Vietnam Report, nhiều chuyên gia tham gia khảo sát nhận định, “bóng đen” của đại dịch đã lùi dần, nhường chỗ cho bức tranh tươi sáng của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những “gam xám”.

Theo các chuyên gia, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống. Thống kê cho thấy, nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh. Sức ảnh hưởng của đại dịch lên bảng cân đối kế toán của nhà băng được dự báo sẽ còn tiếp tục kéo dài khi doanh nghiệp chưa thể phục hồi và những khoản nợ sau khi được tạo điều kiện cơ cấu lại đang xếp ở nợ nhóm 1 và 2 nhưng vẫn không thể cải thiện sẽ buộc hệ thống phải chính thức ghi nhận là nợ xấu. Đặc biệt, sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022, trong bối cảnh đó, bộ đệm an toàn vốn còn mỏng.

Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 36,4% số ngân hàng cho rằng tăng vốn là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng trong năm nay, tăng 8,6% so với năm ngoái. Đồng thời, hơn 54,6% số ngân hàng cho biết tăng vốn điều lệ là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, tăng đáng kể so với mức 44,4% của năm trước.

Thống kê của Fiin Research, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức 11,3% trong năm 2021, khá thấp so với các nước trong khu vực, và có dấu hiệu suy giảm trong quý I/2022. Một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn hầu như không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vốn của Basel 2.

Lý giải nguyên nhân khiến tỷ lệ CAR giảm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, một phần là do các tổ chức tín dụng áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN tiệm cận Basel 2, với yêu cầu tính tài sản có rủi ro chặt chẽ hơn, đồng thời các khoản cho vay chứng khoán, bất động sản… cũng bị áp dụng hệ số rủi ro tín dụng cao hơn. Quy mô vốn chủ sở hữu của 29 ngân hàng được quan sát đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn 2019 - 2021, từ mức 21% năm 2019 xuống 10% năm 2021.

“Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng giai đoạn này vẫn duy trì ở mức 13 - 14%, chưa kể tín dụng dự báo sẽ tăng cao hơn theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022 - 2023. Theo đó, vấn đề tăng vốn sẽ tiếp tục được đặt ra với nhiều tổ chức tín dụng trong trung - dài hạn”, TS. Lực nhấn mạnh.

Còn bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nêu quan điểm, trong một môi trường có rủi ro tín dụng cao, việc đảm bảo nguồn vốn dự trữ đầy đủ của các ngân hàng sẽ rất quan trọng. Trong khi tỷ lệ nợ xấu liên tục ở mức dưới 3%, nhiều tài sản kém hiệu quả được báo cáo là vẫn chưa được phân loại đầy đủ, cho thấy những rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực ngân hàng chưa được nhận diện đầy đủ.

"Do đó, tỷ lệ an toàn vốn có thể không đủ để đối mặt với rủi ro tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững", bà Carolyn Turk nói.

Bạn đang đọc bài viết "Cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng bùng nổ" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).