Việt Nam cho chính phủ Mỹ vay 37 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc cùng giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ

03/03/2023 15:08

Nhật Bản và Trung Quốc là hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ với tổng giá trị cho vay gần 2.000 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 36 khi nắm giữ xấp xỉ 37 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ.

my-no-nuoc-ngoai-1677811983.png Nợ nước ngoài của chính phủ Mỹ giảm cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong tổng nợ. Tỷ lệ nợ nước ngoài/tổng nợ chính phủ Mỹ đã lập đỉnh 34,4% từ tháng 1/2015, đến cuối năm 2022 vừa qua chỉ còn 23,3%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, tổng nợ nước ngoài của chính phủ liên bang tại ngày 31/12/2022 là gần 7.315 tỷ USD, giảm 426 tỷ USD (tức 5,5%) so với mức đỉnh lịch sử xác lập đúng một năm trước đó.

Chính phủ Mỹ vay nợ thông qua phát hành chứng khoán Kho bạc, bao gồm các kỳ hạn khác nhau từ ba tháng đến 30 năm. Các chứng khoán có kỳ hạn dưới một năm được gọi là tín phiếu, nếu kỳ hạn từ 20 năm trở lên gọi là trái phiếu.

Tại ngày 31/12 năm ngoái, Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ với giá trị chứng khoán Kho bạc nắm giữ đạt gần 1.100 tỷ USD. Trung Quốc đại lục xếp thứ hai với 867 tỷ USD. Các tên tuổi đứng sau lần lượt là Anh, Bỉ, Luxembourg, ….

chu-no-1677812045.png Nhật Bản là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Trung Quốc đại lục nắm giữ 867 tỷ USD trái phiếu, tín phiếu Kho bạc Mỹ.

Đảo Đài Loan và Đặc khu Hành chính Hong Kong lần lượt xếp thứ 9 và thứ 11 trong danh sách chủ nợ nước ngoài của Mỹ. Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ 2 thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 3 tại châu Á – đứng ở vị trí số 10 về giá trị nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ.

Trung Quốc đại lục từng là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ trong phần lớn giai đoạn 2008 – 2019, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Tuy nhiên, liên tục từ tháng 6/2019 đến cuối năm 2022, Nhật Bản đã vượt lên và nắm chắc ngôi đầu.

Cả hai cường quốc Đông Á này đều có điểm chung là cắt giảm đáng kể lượng chứng khoán Kho bạc Mỹ nắm giữ trong những tháng cuối năm 2022.

chung-khoan-kho-bac-my-1677812320.png Tháng 6/2019, Nhật Bản vượt lên trên Trung Quốc để trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ và nắm giữ vị trí này cho tới cuối năm 2022.

Việt Nam nắm giữ 36,9 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ tại ngày cuối năm 2022, đứng thứ 36 trong số các chủ nợ của Mỹ. Nước ta xếp ngay sau Tây Ban Nha, Ba Lan, Italy và ngay trước Chile, Peru.

So với đỉnh lịch sử 45,2 tỷ USD vào tháng 9/2021, giá trị chứng khoán Kho bạc Mỹ của Việt Nam đã giảm hơn 18%.

viet-nam-giu-chung-khoan-kho-bac-my-1677812529.png Việt Nam từng có lúc nắm giữ 45 tỷ USD trái phiếu, tín phiếu kho bạc Mỹ.

Xu hướng rời xa USD

Tỷ lệ nợ nước ngoài/tổng nợ chính phủ Mỹ đã lập đỉnh 34,4% từ tháng 1/2015, đến cuối năm 2022 vừa qua chỉ còn 23,3%. Giá trị tuyệt đối cũng giảm từ 7.741 tỷ USD vào ngày cuối năm 2021 xuống còn 7.315 tỷ vào ngày 31/12/202.

Các chủ nợ nước ngoài có thể giảm sở hữu chứng khoán Kho bạc Mỹ theo hai cách. Cách thứ nhất là bán bớt tín phiếu và trái phiếu cho các chủ nợ trong nước Mỹ, cách thứ hai là để cho tín phiếu và trái phiếu đáo hạn, lấy tiền gốc về rồi đầu tư vào nơi khác, không tiếp tục cho chính phủ Mỹ vay.

Việc các quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc nói riêng và tập hợp các chủ nợ nước ngoài nói chung giảm nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ là dấu hiệu của xu hướng giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ.

Tại sao việc giảm nắm giữ trái phiếu và tín phiếu Kho bạc lại liên quan đến chuyện rời xa USD?

Chứng khoán Kho bạc Mỹ được xếp hạng tín nhiệm AAA là công cụ đầu tư an toàn nhất thế giới và có thanh khoản cao tương đương với tiền mặt USD. Điểm khác biệt lớn nhất là trái phiếu và tín phiếu có trả lãi định kỳ cho người nắm giữ, còn bản thân USD không trả lãi.

Nếu các quốc gia không muốn nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ để nhận lãi thì họ chắc chắn cũng không muốn cầm USD và không nhận được lợi ích gì.

Vì vậy, sau khi giảm sở hữu chứng khoán Kho bạc bằng cách bán bớt hoặc đợi cho trái phiếu đáo hạn rồi lấy tiền gốc bằng USD về, các chủ nợ sẽ đầu tư vào những loại tài sản khác.

Nếu xu hướng này lan rộng, tức là không còn quốc gia nào chào đón dòng chảy USD, đồng bạc xanh sẽ chỉ còn một điểm đến duy nhất là nước Mỹ - nơi nó được sinh ra. Nước ngoài sẽ dùng USD để mua hàng hóa và các loại tài sản như cổ phần doanh nghiệp và đất đai, các tổ chức và cá nhân Mỹ buộc phải chấp nhận USD làm phương tiện thanh toán.

Dòng USD chảy về Mỹ sẽ làm tăng cung tiền và tổng cầu, khiến cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thêm khó khăn và phức tạp. Tuy nhiên, đây là nguy cơ trong dài hạn và cần nhiều năm mới có thể trở thành hiện thực.

Trước mắt, xu hướng giảm sở hữu trái phiếu Kho bạc Mỹ và xa rời USD có thể sẽ tiếp diễn vì nhiều lý do. Khả năng thứ nhất là bán cắt lỗ.

Trong năm 2022, Fed đã nâng lãi suất 7 lần liên tiếp để kiềm chế giá cả. Sang tháng 2/2023, Fed tiếp tục tăng lãi suất và các quan chức dự kiến sẽ chưa sớm dừng lại.

Giá trái phiếu biến động ngược chiều với lợi suất. Khi lợi suất tăng, giá trái phiếu chắc chắn giảm. Các nước bán bớt chứng khoán Kho bạc Mỹ trong những tháng cuối năm 2022 sẽ giúp hạn chế thiệt hại.

Tính đến cuối tháng 12/2022, giá trị chứng khoán Kho bạc Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã đi xuống 5 tháng liên tiếp. Xét trong cả năm 2022, Trung Quốc đã giảm 173 tỷ USD chứng khoán Kho bạc Mỹ, tương đương 17%, đánh dấu mức giảm sâu nhất kể từ năm 2016.

lai-suat-quy-lien-bang-1677812587.png Lãi suất tại Mỹ lên mức cao nhất 15 năm vì Fed thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát.

Mối quan hệ địa chính trị đầy trắc trở với Mỹ cũng đang thôi thúc Trung Quốc tìm cách giảm phụ thuộc vào USD.

Tranh chấp của hai nước xuất phát từ loạt vấn đề phức tạp như Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm đảo Đài Loan khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt, Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng khinh khí cầu để do thám mục tiêu quân sự trên đất Mỹ, Mỹ cấm vận các doanh nghiệp công nghệ bị cho là hỗ trợ quân đội Trung Quốc, Mỹ đe dọa áp lệnh trừng phạt nếu Trung Quốc viện trợ cho Nga, ….

Sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga đã bị cắt đứt khỏi dòng chảy USD cũng như hệ thống thanh toán của phương Tây, buộc phải chuyển sang sử dụng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như các loại tiền tệ khác.

Trung Quốc nhìn trường hợp của Nga với ánh mắt ái ngại, không muốn thảm kịch kinh tế tương tự xảy đến với mình khi có bất đồng sâu sắc với Mỹ và phương Tây. Vì vậy, việc Bắc Kinh giảm phụ thuộc vào USD là điều dễ hiểu.

Trung Quốc được cho là đã chuyển một phần dự trữ của mình sang vàng thỏi. Số liệu hải quan cho thấy giá trị nhập khẩu vàng của Trung Quốc trong năm 2022 đã tăng 60% so với năm trước, đạt 76,6 tỷ USD.

Về phần Nhật Bản, đồng yen lao dốc xuống đáy 24 năm vào tháng 9/2022 đã buộc ngân hàng trung ương nước này mua vào yen để nâng đỡ giá trị nội tệ. Đây là lần can thiệp vào thị trường ngoại hối đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998.

Để mua yen, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã phải bán ra một loại tiền tệ khác, cụ thể là USD.

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam cho chính phủ Mỹ vay 37 tỷ USD, Nhật Bản và Trung Quốc cùng giảm nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).