Nguyên Tổng giám đốc bị truy tố
Cơ quan CSĐT Bộ Công an kết luận điều tra vụ án và đã chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố trong vụ án này với 34 bị can (riêng kẻ cầm đầu đang bỏ trốn, đã phát lệnh truy nã). Trong số đó có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, nguyên Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Thuduc House bị truy tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Với vai trò chính, Trịnh Tiến Dũng (hiện đã bỏ trốn) đang bị truy nã quốc tế nên sau này bắt được sẽ xử lý sau. Vụ "đại án trăm tỷ” lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỷ đồng tiền thuế GTGT; vận chuyển trái phép hơn 51,6 triệu USD (tương đương khoảng hơn 1.205 tỷ đồng); buôn lậu hàng hóa có giá trị hơn 2,8 tỷ đồng; nhận hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng và sản xuất, mua bán hàng giả có giá trị hơn 986 tỷ đồng.
Theo hồ sơ, Trịnh Tiến Dũng là đối tượng tổ chức hoạt động đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT)... Ngày 23-12-2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc tại trụ sở Công ty TNHH TMDV Vùng Đất Máy Tính, Công ty TNHH TMDV điện tử Minh Tâm... và nhiều nơi cư ngụ của các đối tượng.
Đến ngày 31-12-2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can gồm Trịnh Tiến Dũng, Trần Nhất Thanh và Nguyễn Hoàng Lân về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" và "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức". Đồng thời cũng khởi tố các bị can Mạc Văn Nguyện, Mạc Thành Nam về tội "buôn lậu", Lâm Vĩnh Nghi, Lê Thị Diệu Quỳnh, Trần Hoàn Tiên, Dương Hoàng Ý Nhi và Võ Thị Ngọc Hạ về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới"; Nguyễn Thiên Phú và Đinh Công Thành về tội "sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức".
Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, nguyên Tổng giám đốc Thuduc House
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục ra các quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can với hàng loạt các đối tượng liên quan, trong đó có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng. Theo đó, từ năm 2016 đến 2020, Dũng đã chỉ đạo thành lập hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài nhằm lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động phạm tội. Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và UAE, Dũng thành lập các công ty mang tên: Lams, Avi, Stronics Global, Icentre... để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.
Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo các đối tượng: Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú... thành lập các doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các công ty không có thực (công ty "ma"). Các đối tượng này đi mua giấy CMND từ các nguồn trôi nổi và thậm chí là thuê làm giả CMND để thành lập công ty "ma", giả cả chữ ký giám đốc, mở tài khoản ngân hàng, mua bán trong nước và xuất nhập khẩu hoàng hóa, như CD-Rom, DVD Rom, Chip, tranh gỗ... nhằm phục vụ hoạt động chuyển tiền ra vào, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT của Nhà nước.
Dùng hàng giả, hàng nhái
Từ việc thành lập hàng loạt công ty ở nước ngoài và trong nước, Dũng cùng các tay chân của mình là Nguyễn Hoàng Duy Anh và Vũ Văn Trường chuẩn bị các linh kiện điện tử như Ram, Chip, DVD Rom, tranh gỗ là hàng giả, chứa phần mềm giả, rồi dùng hộp, đĩa, tem và bọc chứa phần mềm giả, dán mã Key (do Trịnh Tiến Dũng gửi mua qua mạng) lên từng đĩa và đóng gói chuyển ra nước ngoài dưới hình thức cho tặng. Đối với Ram cũ có dung lượng thấp, Duy Anh và Trường cố tình làm hỏng bộ nhớ nhằm tránh việc kiểm tra của cơ quan chức năng.
Sau đó, các đối tượng này vệ sinh, dán tem biến thành Ram có dung lượng cao, đóng gói theo vỉ hoặc túi nylon. Còn đối với Chip chưa có nội dung, các tranh gỗ... rồi dùng pháp nhân các công ty lập hồ sơ xuất nhập khẩu chuyển tiền ra nước ngoài hoặc chuyển tiền về để nhằm mục đích lập hồ sơ xin hoàn tiền thuế GTGT thông qua Công ty Cổ phần phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh.
Các bị can trong vụ án
Bằng thủ đoạn tinh vi này, sau khi làm thủ tục xuất khẩn linh kiện điện tử đi Mỹ, Campuchia và Singapore, hàng hóa chủ yếu được bàn giao tại Singapore là kho của Dũng, còn tại Campuchia và Hồng Kông (Trung Quốc) là kho của Dũng. Dũng sử dụng các công ty trong nhóm mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu linh kiện điện tử lẫn với các loại hàng hóa khác quay ngược trở lại Việt Nam. Riêng các linh kiện điện tử xuất khẩu sang Campuchia sau đó được nhập lậu về Việt Nam bằng cách gửi theo các chuyến xe khách. Từ đó, nhằm hợp thức hóa đầu vào, Dũng và Lưu Thị Ngát thành lập và sử dụng 16 công ty đều là công ty "ma" xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam và Công ty Hoàng Nam Anh xuất khẩu và hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Sau khi tiền hàng và 10% tiền thuế GTGT (do Công ty Thuduc House, Sài Gòn Tây Nam và Hoàng Nam Anh ứng trước, sẽ được trả lại sau khi hoàn thuế) được chuyển về tài khoản của 16 công ty "ma". Dũng đã chỉ đạo các đối tượng là nhân viên, người quen, lao động tự do đi rút tiền rồi chuyển tiền, nộp tiền... nhằm làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty ma được khấu trừ, không phải nộp khoản 9,9% tiền thuế GTGT. Ngát được Dũng trả phí dịch vụ là 0,8% trên tổng doanh số. Để các công ty "ma" hoạt động, Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho một số cán bộ thuế.
Cán bộ thuế "dính chàm"
Với cách thức hoạt động đường dây phạm tội của Dũng như đã nêu phải có sự tiếp tay đắc lực, cụ thể là Lưu Thị Ngát (SN 1983, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Khánh Hưng) cùng với Văn Thị Thi Thơ và Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Nhóm này đều do Ngát điều hành, móc nối đưa hối lộ nhiều lần, nhiều khoản tiền lớn cho các cán bộ thuế tại Chi cục thuế Q1, Q3 và Q5, gồm Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam và Ngô Huỳnh Lũy. Từ chỗ nhận hối lộ của Ngát, Nga, Nam và Lũy là cán bộ thuế, nhưng lại tạo điều kiện cho các công ty "ma" hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.
Lưu Thị Ngát khai đã đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng
Không những nhận hối lộ từ Ngát, nhóm cán bộ Chi cục thuế Q1, Q3 và Q5, TPHCM là Lũy, Nga và Nam ngoài giúp đỡ, tạo điều kiện cho các công ty của Ngát "hoạt động", bán hóa đơn GTGT... mà các cán bộ thuế này được hưởng từ 0,1% đến 0,2% trên tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của các công ty ma. Tại Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Ngát khai trực tiếp trao đổi với Nguyễn Phương Nam và Đào Thị Nga, đồng thời nhờ người trao đổi với Ngô Huỳnh Lũy về việc Ngát chi tiền cho Nga, Nam và Lũy để các công ty "ma" không có thực này được "hoạt động" bình thường trên địa bàn Q1, Q3 và Q5. Nga, Nam và Lũy không đề xuất cấp trên kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh các công ty của Ngát, hay những công ty "ma" có thể bị cưỡng chế thu thuế nhằm giữ cho Ngát nộp thuế ngay, cũng như tránh các công ty này bị cưỡng chế.
Ngát thừa nhận đã chi tiền cho Đào Thị Nga (cán bộ Chi cục thuế Q1), vì trên địa bàn có 2 công ty ma của Ngát đặt trụ sở là Công ty Hiếu Bảo và Thái Sơn Nguyễn. Hai công ty này kê khai thuế tại Chi cục thuế Q1, do Nga quản lý. Ngát đưa tiền hối lộ nhiều lần (đưa bằng tiền mặt và chuyển khoản). Ngát chuyển khoản tổng cộng 395 triệu đồng và trực tiếp đưa tiền cho Nga 4 lần tổng cộng 2,11 tỷ đồng.
Ngoài ra, Ngát cũng chi tiền hối lộ cho Nguyễn Phương Nam (Chi cục thuế Q3), vì trên địa bàn Q3, Ngát có 6 công ty ma hoạt động như: Công ty Thanh Hương, Redsun, Quốc Trung, Thái Sơn Nguyễn, Nguyễn Minh Sài Gòn và Công ty Vạn Tùng Nguyên. Đối với Nam, Ngát chi tiền theo từng quý và ngoài ra còn chi tiền cho Nam nhiều lần hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, Ngát khai đưa trực tiếp cho Nam ở quán cà phê, cây xăng... mà lần đưa hối lộ ít nhất là 200 triệu đồng, nhiều nhất là 1,2 tỷ đồng.
Cũng như Ngát khai nhận, đã chi tiền hối lộ cho Ngô Huỳnh Lũy (cán bộ thuế, Chi cục thuế Q5) để 3 công ty là Minh Thống, Quốc tế Đại Dương và Song Song Phúc "hoạt động ma", Ngát đưa nhiều lần kể cả tiền mặt và chuyển khoản. Trong đó, chuyển khoản nhiều lần từ 67 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng và đưa tiền mặt trực tiếp: Ngát đưa cho Lũy 3 lần khoảng 810 triệu đồng, ngoài ra nhiều lần đưa khác Ngát không nhớ...
(Còn tiếp...)